Sunday, August 28, 2011

Dai Hoi Nhay Du Lan Thu 31

  


Anh Lo, Pham Hoa, Anh Ba Lieu Quang Nghia, Anh Hieu, Thieu Ta Truc, Dai Ta Tinh





















 Anh Chi Nguyen Hai Trieu, Anh Chi Le Minh




 Ho Tinh, Dai Ta Luong Xuan Viet, Bac Si Pham Gia Con
















 Tong , Bac, Ngoc





John Martin va Pham Hoa
 Dai Ta Tuong, Dai Ta Tinh

 Minh Hanh, Phuong Khanh, Xuan Thi




 Dai Ta Luong Xuan Viet va Thieu Ta Tuan
 Le Tinh Anh, Ho Tinh


Gia Dinh Phuoc Rhode Island

NT Nguyen Van Mui va Phu Nhan
Anh Thuan , Anh Hanh Phong 2 SDND, 
Anh Mai Ba Trac Anh Hanh 219







Lược sử Binh Chủng Nhảy Dù VNCH
LTS: Ðại Hội Gia Ðình Mũ Ðỏ Việt Nam Hải Ngoại, kỳ thứ 31, sẽ được tổ chức vào hai ngày 26 và 27 Tháng Tám, 2011 tại Westminster, California. Nghi thức khai mạc đại hội sẽ diễn ra vào ngày Thứ Bảy, 27 Tháng Tám, tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, và trong buổi chiều cùng ngày sẽ có một dạ tiệc mừng đại hội tại nhà hàng Mon Chéri,3150 Lincoln Ave., Suite 134, Anaheim, CA 92801, bắt đầu từ 5 PM. Nhân dịp đại hội, chúng tôi xin trình bày Lược Sử Binh Chủng Nhảy Dù Việt Nam nhằm đưa đến quý độc giả và các thành phần trẻ thuộc cộng đồng người Việt hải ngoại một số thông tin hữu ích về đại đơn vị nầy qua các giai đoạn hình thành và chiến đấu.
Dẫn Nhập: Nhân Ngày Ðại Hội Binh Chủng Nhảy Dù Thế Giới, chúng ta cần nhắc lại cuộc chiến đấu dài theo lịch sử dân tộc qua những tháng ngày bi tráng chen lẫn cao thượng hy sinh của mỗi phận người Việt Nam, với từng người lính miền Nam hằng gánh chịu cho đến buổi sáng ngày 30 tháng 4, 1975.
Huy hiệu binh chủng Nhảy Dù VNCH.
Trong tập thể đông đảo ấy người lính Nhảy Dù đã nhận lãnh vị thế gai lửa hàng đầu cùng các chiến hữu thuộc các binh chủng khác. Và hôm nay hơn ba mươi sáu năm sau 1975 những con người hằng có mặt trong cuộc chiến, những người lính của chiến trường xưa vẫn canh cánh tấc lòng sắc son nhớ nước, cũng như đối với người dân mà họ đã khắc kỷ hiến thân, âm thầm chiến đấu để bảo vệ, giữ gìn.
Cuộc chiến đấu bền bỉ kiên trì chưa hề được tuyên công ấy hôm nay vẫn tiếp tục tại hải ngoại với mỗi người lính Nhảy Dù có mặt trong đại hội này cũng như các chiến hữu không về được với anh em như mong ước. Nhân dịp chúng ta có thể nhìn lại một cuộc chiến xa hơn xẩy ra nơi Ðiện Biên Phủ, thuộc miền Tây-Bắc nước Việt kết thúc vào tháng 5 năm 1954 để nhận ra một thực tế tàn khốc: Trong toàn bộ quân đội thuộc lực lượng Liên Hiệp Pháp bị thiệt hại và bị bắt trên trận địa gồm 1,747 người chết; 5,240 bị thương; 1,729 mất tích và 11,721 bị bắt làm tù binh thì chỉ có hơn 3,000 quân binh mang quốc tịch Pháp còn phần lớn là quân nhân của ba nước Ðông Dương mà người Việt Nam chiếm phần đa số. Ðấy là những chiến binh quốc tịch Việt Nam hằng có mặt trong các tiểu đoàn Nhảy Dù mang phiên hiệu BPC của quân đoàn viễn chinh Pháp hay BPVN của quân đội quốc gia Việt Nam. Cụ thể điển hình là với Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù Việt Nam đơn vị hai lần nhảy xuống trận địa Ðiện Biên Phủ của Trung Úy Phạm Văn Phú.
Chúng ta cũng cần nhắc lại sự kiện: Suốt cuộc chiến dài hơn hai mươi năm cho đến tháng 4 năm 1975, người lính các cấp trong hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn giữ chắc tay súng giữa tình thế chính trị tuyệt vọng qua áp đặt của chính phủ Mỹ hiện thực sự quyết tâm rút bỏ khỏi Việt Nam kết thúc bằng Hiệp Ðịnh Ba Lê ký ngày 27 tháng 1, năm 1973. Hiệp định gọi là tái lập hòa bình tại Việt Nam kia đã có ngay hậu quả như Cố Vấn Kissinger, người kiến tạo nên hiệp định dự đoán: Chỉ hơn hai năm sau miền Nam bị cắt giảm viện trợ, thiếu đạn dược, khí cụ chiến tranh, lại do tính toán sai lầm từ Dinh Ðộc Lập dần rút bỏ cao nguyên 15; mất Huế ngày 24; 29 mất Ðà Nẵng và tiếp theo ngày cuối tháng 3 mất Nha Trang, một trong những phi trường, hải cảng quan trọng nhất của miền Nam. Cuối cùng, tại trận địa Long Khánh, cửa ngõ vào Sài Gòn, ngày 20 tháng 4, Tướng Toàn và Ðại Tá Thọ, trưởng phòng hành quân Quân Ðoàn III đích thân đến giao cho Tướng Lê Minh Ðảo tư lệnh chiến trường một lệnh hành quân mơ hồ nhưng vô cùng xúc động.
Rời bỏ Xuân Lộc về bảo vệ mặt trận Sài Gòn. Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo chỉ có đúng nửa ngày để hoàn tất một kế hoạch rút quân bao gồm lực lượng một sư đoàn cơ hữu cùng các đơn vị tăng phái và yểm trợ, chưa kể thành phần diện địa thuộc Tiểu Khu Long Khánh. Hành quân rút lui là hình thái hành quân khó nhất - Bởi đã mang sẵn mầm thất bại - Những danh tướng của quân sử thế giới mấy ai có thể thực hiện được kể cả Hốt Tất Liệt, Napoléon, Rommel,...
Nhưng như một phép mầu, Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo đã hoàn tất cuộc lui binh về Bà Rịa, bảo toàn đơn vị, vũ khí, thậm chí đến hai khẩu pháo 175 ly hạng nặng cũng giao lại đủ cho quân đoàn. Cuộc rút lui chiến thuật giữa tình thế bế tắt tuyệt vọng kia sở dĩ được hoàn thành - Hoàn thành một cách vượt bực bởi lực lượng giữ phần hậu vệ đoàn di tản là Lữ Ðoàn 1 Nhẩy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh chỉ huy. Trung Tá Ðỉnh là tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 6 Dù - Ðơn vị đã giải tỏa An Lộc trong trận đánh ngày 8 tháng 6, 1972 mà đơn vị cộng sản đóng chốt ở Xa Cam, Nam An Lộc chỉ còn đúng một bộ đội tên gọi Nguyễn Văn Tiền bị bắt sống trên trận địa. Có một điều cũng cần phải nêu lên là Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, tư lệnh sư đoàn Dù đã bất chấp lệnh của tổng tham mưu, vất bỏ mưu đồ “xé lẻ” đơn vị bách thắng này từ Dinh Ðộc Lập (chữ của đích thân Tư Lệnh Lê Lợi đã dùng trong một bài viết đã được phổ biến trước đây) đã gởi một đơn vị nhảy dù khác - Tiểu Ðoàn 7 Nhẩy Dù do Trung Tá Nguyễn Lô, đơn độc đưa quân đi ngược tỉnh lộ 2 [từ Bà Rịa (Phước Tuy) lên Long Khánh] đón đoàn quân di tản. Tiểu Ðoàn 7 Dù cũng là một trong những đơn vị cuối cùng chận giặc nơi Cầu Xa Lộ, cửa ngỏ chính của Sài Gòn sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng.
I. Phần Một - Giai đoạn trước 1955:
Những con người và trận chiến tưởng từng như huyền thoại vừa kể ra trên có một lịch sử chính danh vô cùng hãnh diện. Chúng ta hãy trở lại từ những ngày đầu tiên. Trước lần những đơn vị người Việt được lập nên theo nghị định ký ngày 11 tháng 5, 1950 của chính phủ Trần Văn Hữu về việc chính thức thành lập quân đội Quốc Gia; cũng trước cả lần ra đời của ba Tiểu Ðoàn 1, 2, 3 Việt Nam (ngày 1 tháng 10, 1949)... Thì có thể nói một cách chính xác rằng, lính Nhảy Dù người Việt là những chiến binh đã có mặt rất sớm trên chiến trường qua lần hình thành Ðại Ðội 1 Nhảy Dù Ðông Dương (gọi tắt: CIP- Companie Indochinoise Parachutiste) tại Chí Hòa (Gia Ðịnh), từ ngày 1 tháng 1, 1948. Và chỉ ba tháng sau đại đội này đã thử trận khai cuộc dưới quyền chỉ huy của đơn vị thống thuộc hành quân tức Tiểu Ðoàn 1 Thuộc Ðịa Nhảy Dù Xung Kích (BCCP- Bataillon Commando Colonial Parachutiste). Nhận thấy khả năng chiến đấu hữu hiệu của Ðại Ðội 1 Nhảy Dù Ðông Dương mà người lính Việt Nam chiếm đa số trong hàng ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ thuần thành tình nguyện, nên những Ðại Ðội 3, 5, 7 Nhảy Dù (CIP) tiếp theo được thành lập ở Trại Trường Bưởi (Hà Nội).
Những đại đội này đặt dưới quyền sử dụng của các đơn vị quân đội Liên Hiệp Pháp như các Tiểu Ðoàn Nhảy Dù Thuộc Ðịa, hoặc Trung Ðoàn Xung Kích Nhảy Dù Chính Quốc, hay Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù Hải Ngoại gọi tắt là BEP. Những đại đội này được xem như Ðại Ðội số 4 cơ hữu của những đơn vị Pháp kể trên. Tiếp theo năm 1949 tại miền Nam, một đơn vị Dù độc lập được thành lập với danh xưng dài lê thê: Ðại Ðội 1 Nhảy Dù Bảo Vệ Bắc Việt Nam (Parachute Guard Company of North Vietnam). Ðại đội này được tổ chức theo khuôn mẫu các đơn vị không vận đặc biệt của Quân Ðội Hoàng Gia Anh Quốc - Special Air Services (SAS), với biểu tượng chiếc “Mũ Ðỏ” theo truyền thống của SAS. Trung Úy Nguyễn Khánh được bổ nhiệm làm đại đội trưởng, một trong số trung đội trưởng là Trung Úy Ðỗ Cao Trí. Ðến năm 1951 các Tiểu Ðoàn Thuộc Ðịa Xung Kích Nhảy Dù Pháp gọi tắt BCCP kia được cải danh rút gọn nên thành Tiểu Ðoàn Nhảy Dù Thuộc Ðịa, BCP. Từ lý do này các Ðại Ðội Dù Ðông Dương gồm lính người Việt cũng thay đổi phiên hiệu và được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của những tiểu đoàn mới.
Cũng cần nói rõ, Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù là đơn vị cấp tiểu đoàn nhảy dù đầu tiên của quân đội Việt Nam, thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1951 tại Chí Hòa, Sài Gòn. Vào thời điểm này, do thiếu sĩ quan, và hạ sĩ quan nên cán bộ người Pháp hầu như vẫn nắm quyền chỉ huy trực tiếp các đơn vị của quân đội Việt Nam, nhưng riêng với Tiểu Ðoàn Nhảy Dù số 1 này, cán bộ người Việt hoàn toàn nắm vai trò chủ yếu, bởi đấy là những sĩ quan có khả năng xuất sắc nhất của binh chủng so với người Pháp lẫn người Việt. Cụ thể trong chiến dịch ngày 30 tháng 8 năm 1951, một đại đội của TÐ1ND/VN được điều động thả xuống Cù Lao Ré, Quảng Nam để tấn công bất ngờ vào lực lượng Việt Minh xâm nhập vùng hải đảo này. Ðây cũng là cuộc hành quân nhảy dù đầu tiên của TÐ1ND kể từ ngày chính thức thành lập. Ðến cuối năm 1951, TÐ1ND/VN do Ðại Úy Nguyễn Khánh chỉ huy được đưa ra Bắc Việt để “thử lửa” trong trận đánh đầu tiên diễn ra trong ngày 23 tháng 12 tại vùng chiến địa được đặt bí danh là Rocher Notre Dame, Khu Ðá Tảng của Ðức Bà. Ðơn vị nhảy dù Việt Nam này sau đó chiếm giữ thị trấn Hòa Bình và cũng là đơn vị cuối cùng rút ra khỏi mặt trận Hòa Bình vào ngày 21 của tháng 2 năm 1952.
Chúng ta cần phân biệt Tiểu Ðoàn Nhảy Dù Hải Ngoại (BEP) gồm toàn phần sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ người Pháp và các xứ thuộc địa của Liên Hiệp Pháp với Tiểu Ðoàn Nhảy Dù Thuộc Ðịa (BPC) mà thành phần binh sĩ số đông là người Việt. Kể từ thời điểm năm 1952 danh xưng Tiểu Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam được chính thức sử dụng gọi tắt theo phiên hiệu Pháp Ngữ là BPVN - Bataillon Parachutiste Vietnam. Cụ thể là các Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù được thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1952 tại Trại Trường Bưởi Hà Nội. Tiểu Ðoàn 4 ND thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1952 tại Ðà Nẵng miền Trung. Ðơn vị này sau thất bại ở mặt trận Lào đã giải thể toàn diện. Tiểu Ðoàn 5/ND thành lập ngày 1 tháng 9 năm 1953 cũng tại Trại Trường Bưởi với thành phần của Tiểu Ðoàn Nhảy Dù Thuộc Ðịa Số 3 của Pháp chuyển sang. Cùng ngày 1 tháng 9 của năm 1953 Tiểu Ðoàn 7/ND làm lễ xuất phát tại Hà Ðông. Riêng Tiểu Ðoàn 6/ND được thành hình vào ngày 1 tháng 3 năm 1954 tại Chí Hòa Sài Gòn đối phó với chiến trường nơi miền Nam. Cần nói rõ hơn về đơn vị bách thắng này, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù VN cơ hữu chỉ gồm có sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ người Việt, tuy khai sinh sau những đơn vị bạn (1 tháng 3, 1954) nhưng lại được thụ hưởng một tinh thần quyết liệt chiến đấu cao vì đấy là hậu thân của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù Thuộc Ðịa (6ème BPC- Bataillon Parachutiste Colonial) do Thiếu Tá Marcel Maurice Bigeard, người quân nhân ngoại hạng của Binh Chủng Nhảy Dù Pháp chỉ huy mà sau này là đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp. Thiếu Tá Bigeard đã có mặt tại Ðông Dương từ năm 1945 (ngay sau khi chiến tranh chấm dứt ở Châu Âu), Bigeard và Tiểu Ðoàn 6 Dù Thuộc Ðịa (6ème BPC) đã là một trong những cột trụ chống giữ cứ điểm Ðiện Biên Phủ cho đến giờ phút cuối cùng. Ðấy cũng là một trong những đơn vị đầu tiên nhảy xuống trận địa từ tháng 11 năm 1953.
Chuyển sang phiên hiệu quân đội Việt Nam, tiểu đoàn lại được chỉ huy bởi một sĩ quan kỳ tài trong cương vị chỉ huy tác chiến: Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí - Ðiều này càng thể hiện cụ thể hơn sau này khi ông nhận lãnh những chức vụ quan trọng hơn với cấp tướng lãnh. Với năm tiểu đoàn nhảy dù trên đà lớn mạnh, ngày càng nâng cao tính năng chiến đấu, lực lượng Nhảy Dù Việt Nam được Bộ Chỉ Huy Quân Ðoàn Viễn Chinh Pháp coi trọng và sử dụng là thành phần tổng trừ bị của quân đội Pháp ở Ðông Dương trong giai đoạn cuối của cuộc chiến khi Chiến Dịch Castor ở Ðiện Biên Phủ đang lâm hồi tàn cuộc, tháng 5 năm 1954. Một hệ thống chỉ huy được thành hình với chỉ danh Liên Ðoàn Không Vận số 3 gồm: Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn (hoàn toàn người Pháp); Ðại Ðội Công Binh; Ðại Ðội Súng Cối; Phân Ðội Truyền Tin với các Tiểu Ðoàn Nhảy Dù danh số 1, 3, 5, 6, 7.
Thoạt tiên, người Pháp muốn chọn Trung Tá Nguyễn Khánh chỉ huy đơn vị này, nhưng vì Trung Tá Khánh đang trách nhiệm Liên Ðoàn Lưu Ðộng số 11 tại miền Trung nên Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí, cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 19 BVN, đang chỉ huy Tiểu Ðoàn 6/ND/VN được cử làm vị chỉ huy người Việt đầu tiên của liên đoàn. Ðầu năm 1955, Tiểu Ðoàn 7 Dù giải tán, liên đoàn chỉ còn lại bốn tiểu đoàn, gồm hai tiểu đoàn 3, 5 (di chuyển từ miền Bắc vào Ðà Nẵng, Nha Trang sau 20 tháng 7, 1954) và hai tiểu đoàn 1, 6 đồn trú sẵn tại miền Nam. Ngày 4 tháng 6, 1955 tất cả bộ chỉ huy liên đoàn, hai Tiểu Ðoàn 3, 5 đồng di chuyển vào Sài Gòn để chính thức nên thành một đơn vị hoàn chỉnh, thống nhất chỉ huy dưới quyền của hệ thống cán bộ sĩ quan người Việt.
II. Giai đoạn 1955-1965
Liên Ðoàn Nhảy Dù Việt Nam chính thức thành lập ngày 1 tháng 5, 1955 tại Tân Sơn Nhất (Gia Ðịnh) với những bộ phận chỉ huy, yểm trợ, và tác chiến như sau: Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn;
Các chiến sĩ Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa ra trận. (lhccshtd.org)
 Tiểu Ðoàn Trợ Chiến gồm Ðại Ðội Công Vụ, Ðại Ðội Súng Cối, Ðại Ðội Công Binh, Ðại Ðội Kỹ Thuật, Phân Ðội Tiếp Tế Thả Dù và Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù trực thuộc vào Phòng 3 Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn. Tất cả hệ thống chỉ huy và yểm trợ này tập trung vào công tác chỉ huy các Tiểu Ðoàn 1, 3, 5, 6 Nhẩy Dù tác chiến. Vào giai đoạn 1955-1959 này, Liên Ðoàn Nhảy Dù lãnh nhiệm vụ hàng đầu trong công cuộc bảo vệ Miền Nam, ngoại trừ những chiến dịch hành quân tảo thanh, bình định, liên đoàn còn được chỉ định làm thành phần trừ bị quốc gia đề phòng đối phó với một cuộc tấn công từ Miền Bắc (rất có thể xẩy ra như trường hợp quân đội Bắc Hàn tràn xuống Nam Hàn năm 1950). Cụ thể hơn liên đoàn là thành phần chủ lực trong lần đánh dẹp các biến cố nổi dậy của các lực lượng vũ trang, giáo phái yêu cầu phân liệt, cát cứ thuộc tổ chức Bình Xuyên, Cao Ðài, Hòa Hảo. Quan trọng nhất là lần đối đầu với lực lượng Bình Xuyên, cuộc giao tranh diễn ra từ ngày 28 tháng 4, 1955 tại Sài Gòn và chỉ kết thúc sau năm ngày kịch chiến. Ngày 2 tháng 5, quân Bình Xuyên rút về cố thủ khu Rừng Sát, và tiếp bị tiêu diệt toàn bộ sau đó bởi chiến dịch Hoàng Diệu, khai diễn ngày 21 tháng 9. Liên Ðoàn Nhảy Dù với các Tiểu Ðoàn 1, 5, 6 do Thiếu Tá Nguyễn Chánh Thi (liên đoàn phó) chỉ huy, thực hiện mũi tiến công chính, hợp cùng với các cánh quân bạn tấn công, tiêu diệt tàn quân Bình Xuyên. Chiến dịch kết thúc sau hơn một tháng vào ngày 24 tháng 10 cùng năm 1955.
Ngày 1 tháng 12 năm 1959, Liên Ðoàn Nhảy Dù tái tổ chức, mở rộng nên thành Lữ Ðoàn Nhảy Dù với hai tiểu đoàn tân lập: Tiểu Ðoàn 7 và 8 ND. Thật ra, hai đơn vị này chỉ mang lại phiên hiệu sẵn có từ trước năm 1954. Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Ðại Tá Ðỗ Cao Trí giữ chức tư lệnh kể từ 1957. Bắt đầu vào thập niên 60, Lữ Ðoàn Nhẩy Dù đã hoàn chỉnh nên thành một đại đơn vị chiến thuật tầm cỡ nên Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã nghĩ đến kế hoạch: Sử dụng lữ đoàn làm thành phần xung kích, tấn công một vùng thuộc lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 17, ngăn chận bước tiến của Bắc quân để giải thoát cho khoảng từ hai đến ba triệu đồng bào Miền Bắc. Nếu kế hoạch được thực hiện, đối với phần đông quân nhân các cấp thuộc lữ đoàn (vốn gốc là người Miền Bắc) thì đấy không là một nhiệm vụ hành quân thuần túy mà lại là một công tác rất có ý nghĩa đưa họ trở về gần nguyên quán, bảo vệ xóm làng của chính gia đình tổ tiên họ. Ðiều này không là giả thuyết vì trận chiến sau này, cụ thể nơi chiến trường Trị-Thiên của năm 1968, 1972, những chiến binh gốc người miền Trung thuộc các Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng bởi chiến đấu ngay trên đất nhà, bảo vệ quê hương của chính họ. Hiệu ứng tinh thần chiến đấu tích cực tương tự này cũng có thể kiểm chứng xác nhận đối với quân binh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh đã kiên cường giữ vững An Lộc trong trận chiến mùa Hè 1972, hay đối với Tiểu Ðoàn 42 Biệt Ðộng Quân nơi chiến trường vùng 4 với những chiến sĩ vốn sinh trưởng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thế nên, nếu kế hoạch hành quân dự trù kia thành công (do có nhiều khả năng thành công) sẽ tạo nên khí thế chiến đấu cao cho quân đội Miền Nam nói chung và mang lại vinh quang tinh thần cho các đơn vị nhảy dù nói riêng thì cuộc diện năm 1975 chắc hẳn đã không xẩy ra.
Nhưng sự phát triển của lữ đoàn lại không những chỉ nhắm vào lãnh vực quân sự thuần túy mà còn được (hoặc bị) lèo lái qua lĩnh vực tranh chấp quyền lực chính trị. Năm 1960, một nhóm sĩ quan trung cấp gồm Trung Tá Vương Văn Ðông, Thiếu Tá Nguyễn Triệu Hồng, Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi thuộc Trường Ðại Học Quân Sự/Bộ Quốc Phòng dự mưu thực hiện một cuộc đảo chánh quân sự, nhằm lật đổ chế độ hiện hữu của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Nhóm tổ chức liên hệ kết hợp một số sĩ quan thuộc binh chủng Dù gồm các Thiếu Tá Phan Trọng Chinh, Nguyễn Văn Lộc, Trần Văn Ðô, Ðại Úy Nguyễn Thành Chuẩn. Cuộc đảo chính nổ ra ngày 11 tháng 11 năm 1960 với lực lượng xung kích là hai Tiểu Ðoàn 1 và 3/ND. Cuộc binh biến thất bại, những người cầm đầu đảo chính thoát sang Nam Vang bằng đường hàng không; số còn lại bị bắt giam mãi đến ngày 11 tháng 11 năm 1963 mới được thả ra. Ðại Tá Nguyễn Chánh Thi từ Nam Vang trở về nước nhận lãnh những nhiệm sở ngoài binh chủng nhảy dù. Theo lời khai tại Tổng Nha An Ninh Quân Ðội và tại Tòa Án Quân Sự Ðặc Biệt của một nhân sự liên hệ trực tiếp đến nội vụ tức Thiếu Tá Phan Trọng Chinh, hoặc trích bản cáo trạng của phiên tòa về biến cố 11/11/1960, hay hồi ký của nhiều tác giả khác kể cả chính Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi thì vai trò của ông Thi đối với cuộc đảo chính không được nhất trí xác định. Về phía người Mỹ theo William Colby, giám đốc CIA trong thời gian có quan hệ mật thiết với chính quyền Miền Nam thì phe đảo chánh hoàn toàn không có liên hệ gì với Tòa Ðại Sứ Mỹ, tuy nhiên đã có một sĩ quan CIA “nằm vùng” liên lạc với nhóm chỉ huy cuộc binh biến. Nhưng dẫu gì đi chăng nữa, Dinh Ðộc Lập kể từ đấy đã mất đi mối tin tưởng thiện cảm trước đây đối với đơn vị nhảy dù, hàng ngũ sĩ quan, cũng như với Tòa Ðại Sứ Mỹ.
Tiếp theo cuộc binh biến quân sự 1 tháng 11 năm 1963 thành công với lực lượng nòng cốt là các tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến lật đổ chế độ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thì sức mạnh quân sự-chính trị của đơn vị Dù lại trở nên quan yếu hơn hẳn. Lực lượng Nhảy Dù đã là nhân tố quân sự quyết định của tất cả dự mưu, kế hoạch chính trị của bất kỳ phe nhóm nào muốn thực hiện một cuộc đảo chánh và chống đảo chánh. Trại Hoàng Hoa Thám, bản doanh của lữ đoàn trở nên thành cơ quan đầu não của những người muốn thâu đoạt, củng cố quyền lực. Tình hình này trở nên cụ thế hơn khi Ðại Tá Dư Quốc Ðống được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Lữ Ðoàn Nhảy Dù thay thế Thiếu Tướng Cao Văn Viên vào Ngày 19 tháng 12 năm 1964.
Trong tình huống cực kỳ khó khăn nguy biến ấy, Sư Ðoàn Nhảy Dù được lệnh rời bỏ Ðà Nẵng, và bị xé ra từng mảnh nhỏ, dàn mỏng trên những trận địa không chiều sâu, hở cạnh sườn, thiếu yểm trợ không quân, thậm chí đến không có pháo binh diện địa hỏa yểm tiếp cận.
Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, vị tư lệnh sau cùng của Sư Ðoàn Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từ 1973 đến 1975. (Hình: daivietquocdandang.net)
Cuối cùng không thành phần trừ bị, tiếp ứng. Tất cả để thực hiện một sách lược gọi là “Ðầu bé-Ðít to” của chính Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. “Ðầu bé” là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, vùng đông dân cư Bình Ðịnh, Khánh Hòa; và “Ðít to” tức là vùng Sài Gòn-Chợ Lớn, đồng bằng Sông Cửu Long, miền Ðông Nam Bộ. Nhưng thực tế chiến sự đã cho thấy: Không có một kế hoạch nào tồn tại được, bởi đây là một kế hoạch đặt trên sự tự đánh lừa và bất lực trước tình thế tương tự như một thân thể không thể tồn tại được khi đã bị bẻ gẫy sống lưng.
Kết quả thủ phủ vùng Tây Nguyên, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II, Thị Xã Pleiku hoàn toàn bị bỏ ngỏ rơi vào tay cộng sản không tiếng súng kể từ ngày 15 tháng 3, 1975. tình thế diễn tiến càng ngày càng xấu với đơn vị nhảy dù, thoạt tiên từ Ðà Nẵng di chuyển đến vùng trách nhiệm, Lữ Ðoàn III do Ðại Tá Lê Văn Phát chỉ huy gồm Tiểu Ðoàn 2 của Thiếu Tá Trần Công Hạnh; Tiểu Ðoàn 5 của Trung Tá Bùi Quyền và Tiểu Ðoàn 6 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành bị phân tán dọc theo đường Ðèo M'Track, xã Khánh Dương, Khánh Hòa của Quốc Lộ 21 (Ðường nối Khánh Hòa-Ban Mê Thuột). Gọi là ba tiểu đoàn nhưng thực sự toàn bộ các đơn vị phải phân tán theo một trục lộ thành những chốt nhỏ để có thể liên hoàn yểm trợ nhau trong tình huống đơn độc chiến đấu như trên đã trình bày. Ðối lại phía cộng sản đã sử dụng hai Sư Ðoàn 320 và F10 sau khi chiếm xong thị xã Ban Mê Thuột kể từ 15 tháng 3. Hai đơn vị nầy không cần phải củng cố vị trí vừa chiếm xong do rút kinh nghiệm của Mậu Thân 1968 và Tổng Công Kích 1972, đồng lần bôn tập về phía bình nguyên duyên hải theo Quốc Lộ 21. Và kết quả là những chốt nhỏ của ba tiểu đoàn 2, 5, 6 đồng bị tấn công tiêu diệt như một điều tất nhiên vào ngày 30 tháng 3, cũng là ngày Nha Trang bị bỏ trống, Huấn Khu Dục Mỹ tự tan rã.
Phòng tuyến của chiến lược “Ðầu to-Ðít bé” kia lại thêm lần điều chỉnh, củng cố với một “cái đầu” tại Phan Rang (quê nội của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu). Lữ Ðoàn II Nhảy Dù với Lữ Ðoàn Trưởng do Ðại Tá Nguyễn Thu Lương, Trung Tá Trần Văn Sơn Lữ Ðoàn Phó chỉ huy ba Tiểu Ðoàn 3, 7, 11 phải chiến đấu tự tồn tại, không tiếp tế, không yểm trợ đối mặt với đại quân của Quân Ðoàn 2 Bắc Việt do Trung Tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Kết quả TÐ3ND chỉ còn 100 chiến sĩ được trực thăng bốc về Phan Thiết; TÐ11ND mất liên lạc toàn bộ, Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành, Ðại Tá Nguyễn Thu Lương, Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Tiền Phương Quân Ðoàn III kiêm Quân Khu III, và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Ðoàn 6 Không Quân, cùng một số chiến sĩ trung kiên đồng lọt vào tay địch! Trong trận chiến tuyệt vọng này, Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ Ðoàn Phó và nhiều chiến hữu khác của đoàn quân Mũ Ðỏ đồng bị hy sinh với niềm uất hận không thể đền bù. Chỉ riêng Tiểu Ðoàn 7 của Trung Tá Nguyễn Lô bảo toàn quân số do được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu rút ra khỏi Phan Rang trước khi trận đánh khai diễn. Ðược lệnh Bộ Tổng Tham Mưu, thành phân còn lại của Lữ Ðoàn II rút khỏi Phan Rang về Sàigòn, đặt thuộc quyền điều động của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn III.
Tướng Toàn đã tạm thời chỉ định Trung Tá Nguyễn Lô, kiêm nhiệm chức vụ Lữ Ðoàn Trưởng Lữ Ðoàn II giữ trách nhiệm, điều động hai Tiểu Ðoàn 5 và 7 chận đứng địch trên tuyến lửa Biên Hòa - Xa lộ Ðại Hàn - Sàigòn dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh, Lực Lượng Xung Kích của quân đoàn. Nhiệm vụ chính của Lữ Ðoàn II Dù là tiến quân bên phải đường sắt hướng về Sàigòn, chận địch tiến vào thủ đô. Về phần Lữ Ðoàn I Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Ðỉnh giữ chức Lữ Ðoàn Trưởng và Trung Tá Lê Hồng làm Lữ Ðoàn Phó gồm ba Tiểu Ðoàn 1, 8, 9; Ðại Ðội 1 Trinh Sát, Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh, Ðại Ðội 1 Quân Y, Ðại Ðội 1 Công Binh tăng phái Sư Ðoàn 18 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Lê Minh Ðảo, Tư Lệnh Sư Ðoàn chỉ huy tổng quát, trấn giữ Quận Lỵ Xuân Lộc, chận đứng bước tiến từ hướng Bắc của quân đoàn cộng sản vào thủ đô Sài Gòn. Lữ Ðoàn I Dù đã làm tròn trách nhiệm giao phó, không để cho địch quân tiến thêm được một tấc đất mãi đến khi Sư Ðoàn I8 Bộ Binh được lệnh rút về Biên Hòa. Chiến sĩ Lữ Ðoàn I vẫn chiến đấu giữ vững trận tuyến để quân bạn rút đi an toàn về Bà Rịa (Phước Tuy) theo Tỉnh Lộ 2.
Sau cùng, đến đêm 28 rạng ngày 29/4/75, quân Cộng Sản Bắc Việt cường tập tấn công vào lực lượng nhảy dù ở Ấp Láng Cát, Bà Rịa. Chiến sĩ Lữ Ðoàn I đánh trả quyết liệt đến giờ Thứ 25 của ngày 30 tháng 4 mới rút ra Vũng Tàu để lui về Gò Công, từ đây di tản ra hạm đội Mỹ. Có thể nói Lữ Ðoàn I Dù là đơn vị có quân số đông nhất đã di tản ra khỏi nước. Lữ Ðoàn III Dù do Trung Tá Trần Ðăng Khôi giữ chức Lữ Ðoàn Trưởng, Trung Tá Bùi Quyền Lữ Ðoàn Phó với ba Tiểu Ðoàn 2, 5, 6 (sau khi từ Phan Rang rút về đóng tại căn cứ Hoàng Hoa Thám, Tân Sơn Nhất) đã đánh trận cuối ngay trong lòng Thủ Ðô Sài Gòn-Chợ Lớn, tiêu diệt hàng loạt những chiến xa T54, T59, và PT76 của địch rải rác khắp nơi từ Bà Quẹo, Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, Trường Ðua Phú Thọ và khắp Chợ Lớn, v.v.. Ðơn vị chỉ buông vũ khí sau khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, tất cả cấp chỉ huy của các lữ đoàn, và các tiểu đoàn đều ở lại cùng với anh em binh sĩ, chịu hoàn cảnh tù tội khắc nghiệt nơi Miền Bắc, không người nào dưới mười năm đày ải, khổ sai. Ðiều đáng hãnh diện là hầu hết sĩ quan nhảy dù đồng chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của Người Lính Mũ Ðỏ trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại tù làm đối phương dẫu đang ở vị thế kẻ thắng trận cũng phải kiêng dè, kính nể. Trường hợp của các Trung Tá Trần Ðẳng Khôi, Phạm Kim Bằng, Nguyễn Lô; Thiếu Tá Trần Công Hạnh là những điển hình rõ nét nhất.
Riêng phần Lữ Ðoàn IV Dù tân lập do Trung Tá Lê Minh Ngọc giữ chức Lữ Ðoàn Trưởng với ba Tiểu Ðoàn 12, 14 và 15 có đầy đủ quân số tác chiến đã đưa vào hoạt động thật sự ở Ðà Nẵng được rút về Sài Gòn giữa tháng 2 năm 1975 được biệt phái cho Biệt Khu Thủ Ðô để ngăn chận cộng sản tràn vào Sài Gòn qua ngã cư xá Thanh Ða, xa lộ Biên Hòa, cầu Tân Cảng. Cuối cùng cho tới giờ phút chót các chiến binh nhảy dù vẫn vững tay súng giữ từng vùng được giao phó với danh dự và trách nhiệm của Người Lính hoàn thành nhiệm vụ “Bảo Quốc An Dân” - Chiến đấu trong tình thế hoàn toàn tuyệt vọng để làm nút chận cho đồng bào có thể ra đi tìm đời sống Tự Do xong thân xác họ ngã gục một lần với Miền Nam khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, cùng lần với những vị tướng lãnh, sĩ quan cao cấp Vị Quốc Vong Thân: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long...
Ðiển hình là những vụ tự sát tập thể hoặc cá nhân của những Chiến Binh Nhảy Dù như Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái cùng bảy chiến sĩ tại góc đường Trần Quốc Toản-Tổng Ðốc Phương, Chợ Lớn; Chuẩn Úy Tô Chiêu Minh, Ðại Ðội 204/Quân Cảnh Nhảy Dù tự sát trước cổng trường Trung Học Ðắc Lộ, Tân Việt gần căn cứ Hoàng Hoa Thám, còn có những Người Lính khác - Những Lính Nhảy Dù cùng các chiến binh thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vị quốc vong thân cuối cùng nơi Cầu Tân Cảng, ở cao ốc Ðường Hiền Vương, trên nóc building ngã tư Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt... Những cái chết không ai hay, những người chết không ai biết tính danh tất cả đã làm màu Mũ Ðỏ thêm thắm tươi sắc Máu Trung Nghĩa, và Giải Băng Tang Ðen dài cùng nỗi Ðau Thương của toàn Dân Tộc Việt Nam.

 
NgườI Lính Nhảy Dù